otozine
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Nơi mái ấm gia đình Anh hùng Sùng Dúng Lù

HGĐT- Tôi sống ở nơi có con đường mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Sùng Dúng Lù ở thành phố Hà Giang. Được nghe kể nhiều về người Anh hùng Sùng Dúng Lù cả chục năm qua và dù biết ông đã về nơi Tiên tổ, nhưng tôi vẫn luôn muốn một lần được lên thăm Vần Chải quê ông để nghe thế hệ hậu sinh nói về người Anh hùng nơi Miền đá.

Biết chúng tôi tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử anh hùng của quê hương, Bí thư Đảng ủy xã Vần Chải anh Thào Pháy Chá rất vui và tự mình đưa chúng tôi về thôn Khó Chớ. Nơi đây, con cháu của Anh hùng Sùng Dúng Lù đang quây quần với một cuộc sống yên bình giữa “rừng đá”, nay đã trở thành những thắng cảnh vô cùng độc đáo trên Công viên địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn như bãi Hải Cẩu, bãi Sách Đá, dốc Thẩm Mã...


Vợ chồng ông Sùng Pháy Páo và Bí thư Đảng ủy xã Vần Chải Thào Pháy Chá ôn lại những kỷ niệm một thời về Anh hùng Sùng Súng Lù.


Đón chúng tôi tại ngôi nhà trình tường giản dị như bao ngôi nhà của người Mông trên Miền đá, ông Sùng Pháy Páo, con trai cả của Anh hùng Sùng Dúng Lù mừng lắm. Ông Páo năm nay gần 60 tuổi, từng làm Bí thư Đảng ủy các xã Vần Chải, Phố Cáo, cán bộ MTTQ huyện Đồng Văn... và cho đến năm 2010 ông được nghỉ chế độ. Ông Páo kể, bố ông là Sùng Dúng Lù lấy mẹ ông là người vợ thứ 2, vì người vợ cả đã mất trước đó cùng cậu con trai mới sinh chưa đầy tháng. Mẹ ông, một người tảo tần sinh hạ cho ông Sùng Dúng Lù được 5 người con, trong đó có 4 người con trai, 1 con gái. Ông Sùng Dúng Lù, là người có tính tình rất cởi mở, vui vẻ, nhưng khi dạy con cái lại rất nghiêm khắc. Mấy anh em ông Páo từ nhỏ đã được cha dạy luôn phải sống làm sao để giữ được truyền thống gia đình. Năm 1999, ông Lù qua đời vì một căn bệnh liên quan đến dạ dày, thọ 74 tuổi. Trước lúc mất, ông bảo với ông Páo và các con để ông nằm ở khu vực bãi đá Hải Cẩu thuộc xóm Khó Chớ, xã Vần Chải. Năm ngoái 2013, mẹ ông Páo, tức bà Thào Thị Chở, do tuổi cao sức yếu, bà cũng đã về nơi suối vàng, an nghỉ với ông Sùng Dúng Lù ở khu vực bãi Hải Cẩu.


Trở lại câu chuyện về cuộc sống con cháu cụ Sùng Dúng Lù, ông Páo tâm sự, tháng 1.1966, bố ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Đó là cả một niềm tự hào to lớn của gia đình và quê hương ông. Bí thư Đảng ủy xã Thào Pháy Chá nói thêm, tấm gương của cụ Lù một mình vào hang bắt tướng phỉ cùng hàng chục thuộc hạ phỉ từng được đưa vào giảng dạy bậc tiểu học ở Đồng Văn. Đến giờ, đám trẻ vẫn còn biết đến câu chuyện về sự can đảm của cụ Sùng Dúng Lù trong cuộc đấu trí, đấu gan tại sào huyệt của bọn giặc phỉ... Là con của người Anh hùng, ngày trước khi còn nhỏ mấy anh em ông Páo luôn được cấp ủy, chính quyền động viên, tạo điều kiện học hành. Nhưng, không phải vậy mà cuộc sống gia đình có gì sướng hơn bà con trong xã. Gia đình của Anh hùng Sùng Dúng Lù cũng giống như cuộc sống của bao gia đình cần mẫn bên những nương ngô, hốc đá trồng đỗ trên Cao nguyên, vẫn là những nồi mèn mén, những bát tẩu chúa Mông đầy bản sắc. Ông Páo nhớ lại, giữa cái khó khăn chung của cuộc sống ngày trước, trong số các con thì chỉ có ông là quyết tâm nhất, có những bước đi làm hài lòng người cha nhất. Những người em còn lại của ông Páo dù không thành đạt trên con đường công danh như ông Páo, nhưng ai cũng biết làm nên đến nay đều có cuộc sống kinh tế ổn định, có bát ăn bát để cả. Theo gương cha, ông Páo và em trai Sùng Súa Mua phấn đấu và được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.


Bao gian khổ đã qua, kể từ đời cụ Sùng Dúng Lù đến đứa chắt mới sinh được hơn 1 tuổi của người con cả Sùng Pháy Páo là bé Sùng Thị Pà đã là thế hệ thứ 5 của gia đình Anh hùng Sùng Dúng Lù rồi. Trong số 5 người con của anh hùng Sùng Dúng Lù thì người con cả Sùng Pháy Páo sinh nhiều con nhất, đến... 8 đứa, đó cũng là một điều thường thấy trong các gia đình người Mông trên vùng đá nhiều năm về trước. Nhiều con, nhưng vợ chồng ông Páo cũng là người nuôi con “mát tay” nhất. Trong số 8 người con thì có 1 người hiện đang làm quyền trưởng trạm y tế xã Phố Cáo, 1 người đang là sỹ quan biên phòng công tác tại đồn Phó Bảng, 1 người làm cán bộ địa chính xã Vần Chải, 1 người là sỹ quan công tác tại Trung đoàn 148, Sư đoàn 316...


Bí thư Đảng ủy xã Vần Chải Thào Pháy Chá nói, các con cái của cụ Sùng Dúng Lù ai cũng chịu khó làm ăn và vươn lên, không ai khó khăn cả. Riêng 2 anh em trai là chú Sùng Kháy Páo và Sùng Pà Chứ hiện nuôi được hàng chục đàn o­ng mật. Chú Páo mỗi năm thu về trên 60 triệu đồng tiền mật o­ng bạc hà. Vợ chồng chú Páo tuy con cái đi công tác xa, đứa đi lấy chồng, nhưng 2 ông bà ở nhà vẫn nuôi được 4 con bò, mấy chục con gà, lợn. Dù nghỉ chế độ, nhưng chú Páo vẫn được tín nhiệm, tiếp tục tham gia làm Bí thư Chi bộ thôn Khó Chớ đấy.


Tôi quay sang hỏi vui ông Sùng Pháy Páo, cả gia đình mấy thế hệ tham gia công tác, cống hiến cho xã hội như thế, có được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm không!?. Ông Páo cười và nói, mình không đòi hỏi gì cả, nhưng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước là quá tốt rồi. Khi ông cụ thân sinh của tôi mất, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến xã đều rất quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ gia đình tôi. Sau khi ông cụ mất, hàng năm gia đình đều nhận được sự động viên, trao quà nhân dịp lễ tết. Khoảng năm 1997, khi bố tôi còn sống, Tổng Bí thư Đỗ Mười khi lên thăm còn đến tặng cho cả một ngôi nhà đấy. Ngay ở địa phương, lớp cán bộ ở xã bây giờ còn trẻ, nhưng rất có ý thức chân trọng lịch sử và truyền thống quê hương, tôn trọng, học hỏi những người đi trước... Ông Páo nói, tôi cũng được biết ở thành phố Hà Giang và thị trấn Đồng Văn, đã có những con đường mang tên của bố tôi - Sùng Dúng Lù. Gia đình tôi coi đó một niềm tự hào to lớn.